Giấc mơ oải hương của tôi trước giờ chỉ quẩn quanh tại Provence của nước Pháp xa xôi mà đâu biết một thiên đường Lavender khác cũng rực rỡ đến nức lòng ngay bên kia ranh giới. Khi cuộc hành trình Tân Cương chưa kịp kết thúc, chúng tôi đều tự nhủ với mình rằng phải quay trở lại nơi này, bằng mọi giá!
“Nếu có thể hãy dành một ngày “sống chậm” tại làng Hemu. Ngôi làng nhỏ bé được bao bọc bởi những hàng bạch dương và các dãy núi tách biệt khỏi đô thị ồn ào đem lại cảm giác bình yên khó tả. Một buổi chiều hoàn hảo tại Hemu có thể là dạo bước trên những con đường nhỏ trong làng băng qua những căn nhà gỗ xinh xắn với từng luống rau tươi mới. Hoặc đơn giản là đặt mình trên bãi cỏ nào đó rồi thả hồn theo từng đám mây trôi trên bầu trời xanh hít thở bầu khí trời trong lành hiếm hoi.”
Làng Hemu
Chiếm 1/6 diện tích Trung Quốc với địa hình độc đáo phong phú vừa có núi tuyết, sa mạc, thảo nguyên lại nhiều hồ nước, sông suối nhưng chỉ 4,3% trong số đó là phù hợp để con người sinh sống vậy nên rất may mắn khi hầu hết thắng cảnh tại Tân Cương vẫn còn vẹn nguyên.
Một trong ba dãy núi lớn tại đây là Thiên Sơn chia vùng đất này thành hai bức tranh khác biệt: Bắc Tân Cương không thiếu núi non kỳ vĩ, những thảo nguyên mênh mông còn Nam Tân Cương thì nổi tiếng với văn hóa nông nghiệp cùng bồn địa và sa mạc.
Thời gian hạn hẹp nên đoàn chúng tôi chỉ kịp “làm quen” khu phía Bắc với núi Ngũ Sắc, hồ Kanas, làng Hemu, thung lũng Y Lê… còn Nam Tân Cương xin hẹn một ngày không xa.
Phải thừa nhận rằng đến Tân Cương mà bỏ qua hồ Kanas thì quả là thiếu sót vô cùng lớn. Hồ nằm trong thung lũng thuộc dãy núi A Lạp Thái nằm ở cực Bắc Tân Cương giáp với Kazakhstan, Mông Cổ, và Nga. Nhờ vị trí đặc biệt ấy mà Kanas có được một vẻ đẹp đây mê hoặc.
Dù đã được nghe bao lời tán dượng thế nhưng khi tận mắt đứng trước khung cảnh vĩ đại của hồ nước hơn 200.000 năm tuổi, chúng tôi chỉ biết… nín thở. Được bao quanh bởi dãy núi khổng lồ, lọt thỏm giữa hàng ngàn cây xanh và những cánh đồng hoa dại đủ màu sắc Kanas như một mỹ nhân quyến rũ khoác chiếc áo xanh ngọc khổng lồ. Đẹp, quá đẹp!
Đêm ấy cảm giác lâng lâng vẫn không tan khi đoàn chúng tôi nghỉ đêm tại ngôi làng cạnh hồ và thưởng thức đặc sản địa phương với thịt cừu nướng, gà xào ớt, cà xào và thịt dê hầm rau củ từ những gia đình địa phương hiếu khách.
Sự choáng ngợp mà Kanas mang lại không khiến chúng tôi quên mục tiêu chính của chuyến đi này, thiên đường oải hương nức tiếng, thung lũng Y Lê. Sau một đêm nghỉ ngơi lấy lại sức ở “thành phố Ma Thuật” Karamay – Phim trường của hai siêu phẩm điện ảnh “Thất Kiếm” và “Ngọa Hổ Tàng Long”, nhóm chúng tôi thẳng tiến về Y Lê với bao nôn nao, háo hức.
Và rồi đúng như mong đợi, trải dài trước mắt là biển hoa oải hương vô tận không thấy điểm dừng. Từng luống hoa từ tím nhạt, tím vừa đến tím đậm tỏa mùi hương thơm ngát khiến bất kỳ ai cũng phải chếch choáng say. Không chỉ những ngón tay mà có lẽ từng sợi tóc, làn da của bất kỳ vị khách nào cũng được “ủ” trong hương nồng của oải hương.
Như thường lệ khu số 65, cũng là khu đẹp nhất Y Lê, lúc này quá tải bởi lượng du khách chen lấn chụp hình. Sự chờ đợi không phải lúc nào cũng là hạnh phúc, nhất là khi các du khách này không biết đến khái niệm xếp hàng. Chúng tôi đành tách khỏi đám đông hỗn loạn men theo lối mòn ở những cánh đồng khác. Vẫn đẹp đến nao lòng, vẫn say ngất ngây! Đủ, vậy là quá đủ rồi!
Một điểm đến bất ngờ trong hành trình chính là thảo nguyên Nalati. Thảo nguyên tại Tân Cương nhiều vô kể nhưng Nalati lại khiến chúng tôi có được những khoảnh khắc chạm đến đời sống du mục tự nhiên nhất.
Xa xa trên triền đồi xanh mát mắt là những túp lều trắng nhỏ bé với bầy ngựa, dê và cừu đang thong thả gặm cỏ. Tất cả như một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt đầy hoàn hảo giữa thiên nhiên và con người. Những túp lều ấy thuộc về các gia đình du mục đang lưu trú trên thảo nguyên Nalati. Cuộc sống của họ đầy ung dung tự tại mà không hề bị ràng buộc bởi bất kỳ tác động nào. Thích thì ở, không thích thì đi. Chẳng thế mà sự khắc khổ nào có hiện hữu trên khuôn mặt của người dân nơi đây.
Cảnh đẹp Tân Cương vốn đã khiến lòng người xao xuyến thì các mỹ nhân Tân Cương lại là lý do khiến không ít… cánh mày râu phải thổn thức.
Các cô gái Tân Cương nổi tiếng vì sở hữu vẻ đẹp vừa đằm thắm, dịu dàng của Á Đông lại vừa có những nét rất Tây như làn da trắng, sống mũi cao thẳng, dáng người cao ráo… Nhan sắc ấy chỉ nhìn một lần là ấn tượng sâu đậm, ngoái nhìn lần hai chỉ để thêm vấn vương và nếu có lần thứ ba thì ắt hẳn sẽ chẳng còn chốn về…
Tình hình an ninh ở Tân Cương?
Nằm ở phía Tây Bắc Trung Quốc, Tân Cương được biết đến là vùng tự trị rộng lớn của đất nước tỷ dân. Vài năm trở lại đây tình hình chính trị tại khu vực này không ổn định vậy nên an ninh được siết chặt gắt gao. Đây cũng là lần đầu tiên khi du lịch nước ngoài tôi phải kè kè hộ chiếu bên mình vì một ngày phải đi qua ít nhất 2-3 trạm kiểm soát, đến nhà hàng, khách sạn nào cũng đều “được” rà soát hành lý, kiểm tra an ninh nghiêm ngặt không khác gì tại sân bay. Ở một số nơi quan trọng như thủ phủ Urumqi thì cảnh sát được trang bị vũ trang rảo bước trên phố còn đông hơn cả dân thường. Lo lắng? Sợ hãi? Không! Không hề! Ngược lại tôi còn cảm thấy quá an toàn vì mọi thứ đều được kiểm soát chặt chẽ, gắt gao tránh trường hợp xấu nhất xảy đến với các du khách nước ngoài.
Thông tin hữu ích
– Cần phải có visa Trung Quốc để du lịch đến Tân Cương.
– Di chuyển: Từ Việt Nam có thể bay đến Quảng Châu sau đó nối chuyến đến thủ phủ Urumqi.
– Vé tham quan tại các khu du lịch của Tân Cương không rẻ, trung bình từ 200 tệ trở lên.
– Giao tiếp: Phải biết tiếng Hoa vì người dân, tài xế và các nhân viên các địa điểm tham quan đều không nói tiếng Anh.
– Khách sạn: Lưu ý một số khách sạn không cho khách nước ngoài đặt phòng mà phải do người địa phương.
– Ẩm thực: Nên thử thịt cừu, dê, lẩu, cá nướng và dưa hấu, dưa lưới Tân Cương. Đừng quên phần lớn người dân nơi đây theo đạo Islam nên sẽ không có thịt heo và đừng cố gắng tự chế biến các món ăn liên quan đến thịt heo nếu không muốn bị rắc rối.
– Thời gian lý tưởng: Từ tháng 6 đến tháng 9.
Nguồn: Sưu Tầm
Viết bình luận